Thưởng Tết 2023: Xu hướng giảm và chênh lệch lớn

Mức thưởng Tết 2023 có xu hướng giảm hơn so với mọi năm và sự chênh lệch giữa các mức thưởng là khá lớn.

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là người lao động trong cả nước nghỉ Tết để đón Xuân mới Quý Mão 2023. Những ngày cuối năm, khi Tết đến Xuân về, vấn đề mà nhiều người lao động quan tâm là thưởng Tết. Theo kế hoạch thì trong ngày 25/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh phải gửi báo cáo về Bộ về tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động. Tuy nhiên, trước đó nhiều địa phương đã công bố mức thưởng Tết năm nay. Theo ghi nhận, năm 2022 vẫn là một năm mà thị trường lao động có khá nhiều biến động, do vậy mức thưởng Tết có xu hướng giảm hơn so với mọi năm và sự chênh lệch giữa các mức thưởng là khá lớn.

Hiện đã có hơn 20 địa phương công bố thưởng Tết Nguyên Đán Quý Mão. Theo đó, tại Bình Dương, mức thưởng bình quân đối với một người lao động trên bàn tỉnh này là 6,13 triệu đồng, thấp hơn năm ngoái 23%.

Với TP Hồ Chí Minh, mức thưởng bình quân năm nay tăng 45% so với năm ngoái, từ 8,88 triệu đồng lên gần 13 triệu đồng một người.

Còn tại Hà Nội, dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 này đã tăng khoảng từ 6 – 7% so với năm ngoái. Nhưng dự báo tiền thưởng Tết trong một số ngành nghề sẽ giảm sâu hơn so với năm ngoái như: may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ.

Mức thưởng cao là sự ghi nhận, của chủ doanh nghiệp đối với đóng góp của người lao động. Tuy nhiên, trái lại có nơi thưởng Tết chỉ mang tính chất động viên, khi chỉ có 50.000, 100.000 hoặc 500.000 đồng. Thưởng Tết quá thấp cũng khiến cho không ít người lao động cảm thấy chạnh lòng.

Bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo quy định pháp luật, tiền thưởng Tết của người lao động không phải là quy định bắt buộc, mà đó dựa vào sư đối thoại và thương lượng của người lao động và người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động.

“Chính vì vậy, trong các văn bản Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn đặc biệt công đoàn cơ sở luôn luôn nhấn mạnh và thương lượng về tiền lương, thưởng cho người lao động là ưu tiên số 1 và hàng đầu. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong công tác đối thoại và thương lượng”, bà Thanh Hà cho hay.

Xem thêm: Các doanh nghiệp dự kiến cắt giảm thêm hơn 15000 lao động

Nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động

2022 là năm mà dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế cũng trên đà phục hồi và phát triển nhưng đây vẫn là một năm mà thị trường lao động có nhiều biến động.

Những tháng đầu năm, các nhà máy tuyển dụng nhiều, mức lương cao. Song nửa cuối năm, tình hình đổi chiều, các công ty hạn chế tuyển dụng và không có nhiều việc làm, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn hết sức nỗ lực để duy trì việc làm và chăm lo Tết cho người lao động.

Chưa từng có khái niệm “làm giờ hành chính” thì giờ đây những công nhân tại Tổng công ty May Hưng Yên đang trải nghiệm. Nhiều người cảm thấy không quen khi không còn tăng ca vào những tháng cuối năm. Để người lao động không phải lo lắng, doanh nghiệp đã chủ động công bố sớm mức thưởng Tết.

Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay, những công nhân ở đây được thưởng Tết sớm và mức thưởng năm nay là 2 tháng lương, lương cũng tăng 10% so với năm ngoái.

Còn tại một doanh nghiệp khác cũng cho biết, dù đơn hàng chỉ bằng 70 – 80% cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực thưởng Tết từ 6,5 triệu đồng đến gần 26 triệu đồng/người (tùy thâm niên làm việc). Mức thưởng này bằng với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 và cao hơn 30% so với năm ngoái.

Mức thưởng Tết có thể khác nhau, nhưng đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp còn đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Vậy bức tranh tổng thể chung về Thưởng Tết năm nay so với mọi năm như thế nào? Khu vực nào, lĩnh vực nào có mức thưởng Tết cao và những khu vực nào có mức thưởng Tết thấp?

Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia của ông Tống Văn Lai – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Trần Thị Thanh Hà – Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đã có những phân tích, bình luận chi tiết.

Xem thêm: Tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên