Thói quen mua sắm cuối năm đang có nhiều thay đổi
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dần chuyển hướng từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online), và thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những kênh chính được người tiêu dùng lựa chọn.
Làn sóng mua sắm đang có nhiều thay đổi
Báo cáo SYNC Đông Nam Á về thương mại điện tử do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện cho thấy sức mua tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là khi các sàn TMĐT triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá đặc biệt thông qua các lễ hội mua sắm.
Khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của người dùng khu vực Đông Nam Á của Lazada và Milieu Insight cho thấy, 73% người tiêu dùng Đông Nam Á đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ, trong khi so với 2 năm trước, con số này chỉ đạt mức gần 60%. Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỉ USD trong năm 2021 lên 23 tỉ USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, người tiêu dùng tiếp tục duy trì thói quen mua hàng trực tuyến, cứ 10 người thì sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online vì sự thoải mái và tiện lợi, mặc dù mức chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng thấp hơn so với hai năm trước. Đặc biệt, khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng dành nhiều công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn mua sắm bằng ứng dụng cũng ngày càng gia tăng. Việc này được thể hiện rõ thông qua sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí trên kênh LazLive, kênh livestream trực tiếp chỉ có trên ứng dụng Lazada. Theo đó, Lazada ghi nhận số lượt xem trên LazLive vào quý 3/2022 tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào những nội dung livestream thú vị, đặc sắc cũng như tính năng Nhìn thấy – Mua ngay (See Now – Buy Now) ngày càng được tối ưu và cải tiến.
Cũng theo Lazada, sức mua trong quý 3/2022 cũng cho thấy sự chuyển đổi trong hành vi và thói quen của người dùng trên nền tảng TMĐT, điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, tận dụng trợ lực từ các sàn TMĐT để bứt phát doanh thu.
Xem thêm: Kinh tế Việt Nam năm 2022
Nhiều ưu đãi bùng nổ dịp mua sắm cuối năm
Đánh giá về nhu cầu mua sắm vào dịp cuối năm, Lazada cho biết quý 4/2022 sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm nhất trong năm vì có nhiều lễ hội quan trọng diễn ra. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho các dịp lễ hội và chuẩn bị cho tết sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. Trong đó, nhu cầu mua các mặt hàng thuộc các ngành hàng làm đẹp, thời trang, điện tử, nội thất nhà cửa, thực phẩm được dự đoán sẽ tăng cao.
Trong đó, điện tử cũng góp mặt trong top các ngành hàng ghi nhận lượng mua sắm cao, các sản phẩm giành được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng như: tai nghe bluetooth, loa bluetooth, máy ảnh, laptop… phục vụ cho nhu cầu làm việc, học tập, giải trí hằng ngày và đặc biệt trong thời điểm bắt đầu năm học mới.
Dự đoán người dùng Việt sẽ tiếp tục hướng đến chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp lễ hội mua sắm lớn cuối năm như “Sale bom tấn 11.11”, “Tiệc sale bung xõa 12.12”, các chương trình ưu đãi dịp tết trên TMĐT để tận hưởng các ưu đãi về giá, đồng thời chủ động tìm kiếm các ưu đãi khác như voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển và tích cực tham gia các chương trình mua sắm kết hợp giải trí để tiết kiệm chi tiêu.
Nắm bắt giai đoạn này, các thương hiệu và nhà bán hàng sẽ tiếp tục xu hướng chuyển đổi số lên TMĐT. Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tận dụng và tối ưu hóa các công cụ hỗ trợ, tính năng trên sàn TMĐT để mở rộng tiếp cận khách hàng mục tiêu, từ đó tối ưu tỷ lệ chuyển đổi và tăng trưởng mạnh doanh thu trực tuyến. Khi tham gia và sử dụng các dịch vụ tài trợ Lazada này, các thương hiệu và nhà bán hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 30% trong quý 3/2022 và dự đoán tiếp tục tăng trong mùa mua sắm cuối năm.