khám chữa bệnh phổ biến kiến thức y khoa

Chỉ số spo2 covid

Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 là viết tắt của Saturation of peripheral oxygen, có nghĩa là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Đó là 1 trong 5 dấu hiệu sinh tồn (dấu hiệu sống) bao gồm: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và độ bão hòa của ô xy trong máu ngoại vi. Bình thường các dấu hiệu sống được duy trì ở một giá trị nhất định để duy trì sự sống của con người. Trong nhiều trường hợp bệnh tật, rủi ro về sức khỏe, các giá trị này thay đổi vượt ra khỏi ngưỡng bình thường làm cho các chức năng sống trong cơ thể con người mất cân bằng, sinh bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Đối với SpO2, khi cơ thể khỏe mạnh, các chức năng sinh lý hoạt động ổn định, không có tác nhân làm cản trở quá trình hô hấp, chỉ số SpO2 đo được sẽ dao động ở mức 96 – 100%. Ngược lại, nếu giá trị SpO2 xuống dưới 96% thì đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng máu thiếu oxy.

Vì sao khi bị Covid-19 phải theo dõi chỉ số Sp02?

SpO2 được theo dõi ở nhiều đối tượng bệnh khác nhau như: bệnh nhân thực hiện phẫu thuật; trẻ sơ sinh bị sinh non, bị suy hô hấp; người bị suy tim, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn, trụy mạch, sốc, tụt huyết áp; người mắc bệnh nặng, cần phải hồi sức như nhược cơ, đột quỵ não, chấn thương tủy cổ có kèm theo liệt cơ hô hấp…

Đối với người bệnh mắc Covid-19, SpO2 là một trong các dấu hiệu để phân độ bệnh và là căn cứ để cấp cứu, điều trị.

Theo Bộ Y tế:

– Người bệnh Covid-19 có chỉ số SpO2 đo được >96% thuộc nhóm người bệnh mức độ nhẹ và người bệnh không triệu chứng

– Người bệnh Covid-19 có khó thở, tần số thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 94-96% thuộc nhóm người bệnh mức độ trung bình

– Người bệnh Covid-19 có nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% thuộc nhóm người bệnh mức độ nặng, cần được cung cấp oxy hoặc thở máy dòng cao hoặc thở không xâm nhập.

– Người bệnh mức độ nguy kịch là những người có nhịp thở > 30 lần/phút có dấu hiệu suy hô hấp nặng với thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc chậm < 10 lần/phút hoặc người bệnh tím tái, cần hỗ trợ hô hấp ngay với đặt ống nội khí quản thở máy xâm lấn.

Như vậy thông thường, ta thấy khi người bệnh Covid-19 có chỉ số SpO2 dưới 96% thường bắt đầu có kèm theo các triệu chứng khác về hô hấp như khó thở, tần số thở tăng… Tuy nhiên trên thực tế khoảng 5-10%, thậm chí tỉ lệ này còn cao hơn, người bệnh có chỉ số SpO2 giảm, nghĩa là oxy trong máu giảm, nhưng họ không hề có cảm giác khó thở hay biểu hiện gì khác bên ngoài, nên đã không tìm đến sự trợ giúp của cán bộ y tế.

Tình trạng này được gọi là tình trạng “giảm oxy máu thầm lặng”, rất nguy hiểm nếu người bệnh bị bỏ qua mà không được cấp cứu kịp thời.

Đo SpO2 đầu ngón tay để phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu (Ảnh minh họa)

Đó là lý do vì sao khi bị Covid-19 phải theo dõi chỉ số SpO2, đặc biệt là đối với người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Thiết bị đo SpO2 đầu ngón tay là một trong các phương tiện người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà nên chuẩn bị. Việc chủ động đo SpO2 hàng ngày là cần thiết, nó giúp phát hiện sớm tình trạng tổn thương phổi, nguy cơ suy hô hấp và các biến chứng nguy hiểm khác ở người bệnh do oxy máu giảm ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng cảnh báo.

Thanh Thủy

Nguyễn Thanh Thủy